Cẩm nang khám phá Pù Luông


Pù Luông vốn là một khu bảo tồn rừng nguyên sinh, nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng trên những ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau, những khu ruộng bậc thang trải dài miên man bất tận và những dòng suối, con sông hiền hòa.

Hành trình khám phá Pù Luông không chỉ là chuyến đi khám phá Pù Luông mà còn là hành trình để mỗi quý khách tự lắng đọng bản thân, hướng tâm hồn về với thiên nhiên hoang sơ, thức tỉnh tình yêu với núi rừng – lá phổi xanh của chúng ta thông qua những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn tại Pù Luông.

Pù Luông Jungle Lodge xin gửi tới Quý khách “ Cẩm nang khám phá Pù Luông”. Chúng tôi hi vọng với những chia sẻ của mình sẽ giúp cho Quý khách có chuyến đi thật trọn vẹn, cảm nhận đầy đủ những an yên mà vùng đất Pù Luông mang lại!

Pù Luông ở đâu?

Pù Luông cách thủ đô Hà Nội 180 km về hướng Tây Bắc, khu bảo tồn Pù Luông thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hoá của tỉnh Thanh Hoá. Bên cạnh sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, nơi đây còn có sự đa dạng về bản sắc văn hoá của cộng đồng người Thái.

Pù Luông chơi gì?

Bè tre suối Chàm

Đi bè tre, tắm suối Chàm ở Pù Luông là một trong những trải nghiệm thú vị được nhiều du khách yêu thích khi đến với “chốn bồng lai tiên cảnh” này. Hãy gạt bỏ mọi ồn ào của cuộc sống, mọi căng thẳng của công việc để thư giãn, tắm mát, đi bè tre và khám phá bản làng.

Từ cổng Jungle Lodge hướng nhìn ra mặt đường quốc lộ 15C, rẽ phải và đi tiếp tầm 12km, đi qua trường tiểu học Ban Công sẽ thấy lối vào Chiềng Lâu. Đường ở đây khá bé, chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy, xe đạp. Đi qua cầu Chiềng Lâu, ven theo con đường nhỏ trong bản, rẽ trái và đi đến cuối đường. Đường khá khó đi và ngoằn ngoèo, để biết thêm chi tiết và hướng dẫn đường đi, vui lòng gặp bộ phận lễ tân để được hỗ trợ.

Bè tre ở đây rất to, có thể ngồi được tầm 10 người, giá vé là 100,000vnd/người. Ngắm dòng sông trong vắt thấy rõ cả đáy, rong rêu, thả hồn mình theo những đám mây lững lờ trôi, nơi đây bình yên đến lạ.

Đến cuối sông, bè sẽ dừng để bạn lên khám phá Hang Cháy với những khối nhũ đá đã được hàng trăm năm. Tuy nhiên đường lối dẫn vào hang cũng như xuống hang khá khó đi, các bạn nên chuẩn bị trang phục phù hợp.

Guồng nước Chiềng Lâu

Cách bè tre 100m là khu vực có những guồng nước khổng lồ. Guồng nước hay còn gọi là cọn nước là sản phẩm sáng tạo độc đáo của cư dân nơi đây. Với đồng bào dân tộc guồng nước có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Vật liệu để làm guồng đều có nguồn gốc từ núi rừng như tre, nứa, lạt, gỗ, song, mây… Trải qua nhiều thế hệ, đây cũng là thành quả của quá trình lũy, đúc rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất của đồng bào nơi đây, đánh dấu sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp Lúa nước.

Thác Hiêu

Bản Hiêu thuộc địa phận Làng Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước là một bản người Thái nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông. Cả khúc suối tính từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng đẹp và chẳng thác nào giống thác nào. Trong đó đẹp nhất là thác Hiêu, từ trên đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng. Mực nước ở đây chỉ hơn 1m, phía dưới là cát nên ai ưa mạo hiểm có thể thỏa sức bay nhảy, bơi lội dưới dòng nước trong mát.

Chợ phiên phố Đoàn

Đường đi vào Thác Hiêu sẽ đi qua chợ Phố Đoàn, vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần sẽ có chợ phiên. Chợ Phố Đoàn còn có tên gọi khác là chợ Phố Đòn, vốn là một khu chợ có từ thời Pháp thuộc, nằm ở xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa mang đậm nét văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng cao phía tây Thanh Hóa.

Chợ bán rất đa dạng các loại hàng hóa nhưng chủ yếu là các sản phẩm “cây nhà lá vườn” của người dân bản địa trong vùng. Đại đa số những sản vật này đều do người dân tự trồng và hái lượm từ trên rừng.

Chợ phiên Phố Đoàn trở thành điểm đến hấp dẫn để tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của người dân tộc vùng cao.

Bản Kho Mường - Hang Dơi

Bản Kho Mường còn có tên tiếng Thái là Hua Mường. Theo đồng bào ở đây giải thích: “Kho” nghĩa là cái gốc, “Mường” là làng. “Kho Mường” chính là nơi đầu tiên mà con người lập nghiệp tại khu vực này.

Khoảng 300 năm trước, một số người dân xã Lũng Cao đi săn bắn, thấy thung lũng này khá bằng phẳng, lại có nguồn nước dồi dào từ các con suối nên quyết định đến đây phát nương làm rẫy và tạo dựng nên một bản làng thơ mộng, trù phú như ngày nay.

Từ cổng Jungle Lodge hướng nhìn ra mặt đường quốc lộ 15C, rẽ trái đi tầm 5km, bạn sẽ thấy một tấm bảng chỉ dẫn, rẽ phải xuống dưới là Bản Kho Mường. Đường vào bản Kho Mường khá là khó đi, chủ yếu là dốc, đường đất lởm chởm, có khoảng 2km đường toàn là đá sỏi, đường bé và quanh co, một bên là vách núi 1 bên là vực, Nếu đi ô tô sẽ đi được tới cổng chào Kho Mường, phần còn lại đường siêu bé phải tự đi bộ hoặc xe máy, xe đạp. Xuống đến bản, bản sẽ bắt gặp những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái đen nằm yên bình dưới thung lũng.

Đi thêm một đoạn nữa và rẽ phải, bạn sẽ thấy cánh đồng lúa trải dài ngút ngàn tầm mắt. Ven theo con đường nhỏ với một bên là suối một bên là cánh đồng, bạn sẽ thấy tấm biển “Đường thăm Hang Dơi”. Đi qua cầu tre nhỏ bắc qua suối, có một chòi thu tiền phí vệ sinh và vào thăm hang với giá 10.000đ/người.

Lên đến Hang Dơi là với cửa hang rộng lớn, những khối đá khổng lồ đủ hình thù kỳ lạ đứng sừng sững với tuổi đời hàng trăm tuổi. Bạn có thể xuống dưới hang khám phá nhưng cần cẩn thận đường trơn trượt.

Ruộng bậc thang

Bản Bầm: cách Jungle Lodge chỉ 300m đi bộ ra bạn sẽ bắt gặp khung cảnh tuyệt vời của những cánh đồng lúa, của dãy núi hùng vĩ trước mặt.

Bản Đôn: Từ cổng Jungle Lodge hướng nhìn ra mặt đường quốc lộ 15C, rẽ phải tầm 1km sẽ thấy cổng bản Đôn. Có thể đi ô tô xuống đến thung lũng dưới bản.

Bản Báng: từ cổng Jungle Lodge rẽ trái đi 3km.

Bản Ươi - bản Lặn

Đứng từ bản Đôn nhìn xuống, du khách sẽ thấy bản Ươi hiện ra dưới chân dãy núi đá vôi với rừng cọ xòe ô che nắng phía trên, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bao quanh. Con suối trong chảy qua giữa bản là nơi người dân tắm và giặt giũ. Kế bên bản Ươi là bản Lặn, nơi còn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trước đây, người dân chỉ dệt thổ cẩm cho gia đình, làng xóm. Gần đây, khi bản làng bắt đầu làm du lịch, đồng bào mới dệt thêm phục vụ khách tham quan.

Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm ở bản Lặn

Bản Son - Bá - Mười

Son Bá Mười hay Cao Sơn, là tên gọi của 3 bản làng Son, Bá và Mười nằm ở nơi cao nhất của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Các bản này nằm trên đỉnh của các dãy: Pha Chiến, Pòng Mứu, Pòng Pa Có,... chạy song song với dãy núi Pù Luông và tọa lạc ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái Đen và cuộc sống hầu như tách biệt với bên ngoài.

Son Bá Mười thật sự là nơi chưa bị tác động nhiều bởi con người, khí hậu lại trong lành hơn những nơi khác nên được ví với những mỹ từ như: bông hoa của núi rừng, chốn bồng lai tiên cảnh. 

Đường đi Son Bá Mười chỉ thích hợp đi xe máy vì đường rất dốc, khá nguy hiểm, nếu như bạn không quen thì có thể thuê xe ôm là người dân bản địa chở đi nhé.

Đỉnh Pù Luông

Theo tiếng Thái, Pù Luông nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng, thực tế đỉnh cao 1700m. Đứng ở lối vào Bản Đôn cũng dễ dàng thấy được đỉnh Pù Luông cao chót vót, được phủ một màu xanh mướt.

Nếu bạn là người đam mê trekking và mạo hiểm thì đỉnh Pù Luông là địa điểm lý tưởng nhất cho bạn. Với độ cao 1.700m, bạn sẽ tốn khoảng 4 tiếng để có thể đến được đỉnh núi trong những ngày nắng đẹp. Từ đỉnh núi bạn có thể phóng tầm mắt xuống phía dưới để ngắm nhìn toàn cảnh khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tận hưởng cảm giác chinh phục đỉnh vinh quang.

Vườn quýt hôi

Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi) là loài cây bản địa có nguồn gốc tại vùng núi cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. 

Quả quýt hôi ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc biệt. Khi ăn quýt hôi, người ta cảm nhận đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái. Người vùng cao thường dùng vỏ quýt hôi làm trà uống, để chữa bệnh ho hen.

Thác Muốn

Thác Muốn nằm ở xã Điền Quang, huyện Bá Thước. Dòng suối từ những khe đá trên núi cao hơn 500m chảy về thung lũng qua các sườn núi tạo nên con thác hùng vĩ với 43 tầng thác cao, thấp khác nhau. Di chuyển đến thác Muốn vô cùng dễ dàng vì đá ở đây là loại đá cát nhẵn nhụi không hề trơn ướt. 

Ngoài những địa điểm kể trên, bạn có thể kết hợp du lịch một số khu vực gần Pù Luông như: Bản Lác (Mai Châu), suối Cá Thần (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)….

Pù Luông ăn gì?

Đến Pù Luông, du khách không chỉ được hòa mình vào nhịp sống yên bình của người dân nơi đây mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn nổi tiếng có một không hai của mảnh đất này.

 

Vịt cổ lũng

Vịt cổ lũng  là giống vịt thân nhỏ, thịt chắc. Vịt thường được nuôi ở gần khe suối thả tự nhiên. Do đó, chúng nạc và thơm hơn nhiều lần so với vịt nuôi công nghiệp. Vịt Cổ Lũng được chế biến thành nhiều món như vịt nướng than hoa, vịt hấp, lẩu vịt om sấu, vịt bóp thính,...

Gà đồi

Gà đồi ở Pù Luông ăn ngon hơn các vùng khác vì gà ở đây thả rông, tự tìm kiếm mồi hay ăn thóc nên thịt ngọt, chắc, giòn. Gà đồi Pù Luông được chế biến thành nhiều món ăn khác. Mỗi món ăn sẽ có một hương vị riêng, đặc biệt món gà nướng thơm ngon với hỗn hợp gia vị truyền thống của người Thái sẽ hấp dẫn du khách.

Cá suối, tôm sông

Khi nhắc tới đặc sản Pù Luông thì đầu tiên không thể không kể tới đặc sản cá suối và tôm sông. Dù không quá to nhưng thịt ăn rất chắc và tươi ngon, các món không nên bỏ lỡ có thể kể đến: cá suối nướng, cá suối chiên, cá suối đồ lá đu đủ, tôm sông nướng, tôm sông rang thịt,...

Canh rau đắng

Món canh lá đắng kén người ăn, nhưng ai ăn được rồi sẽ khó mà quên được. Ban đầu khi ăn vào canh có vị rất đắng, sau đó vị đắng nơi đầu lưỡi dần dần hóa vị thanh mát và dìu dịu lấp đầy, kích thích vị giác khiến bạn muốn nếm thêm nhiều lần nữa. Rau đắng được người dân hái trên rừng. Dù lần đầu khá khó ăn nhưng sau đó, món rau này lại dễ gây nghiện.

Măng đắng

Món măng đắng đặc sản ở Pù Luông Thanh Hóa lấy trên rừng, có nhiều nhất vào mùa mưa và khi đó ăn sẽ có vị ngọt nhiều hơn đắng. Măng rừng nên có vị hơi đắng nhẹ, nhưng ăn bùi và ngọt hậu. Măng đắng thường được chế biến và làm nhiều món ngon khác nhau như món xào, măng kho, măng luộc chấm mắc khén và hạt dổi hoặc măng xào tỏi. Thưởng thức món măng đắng ở đây sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và đặc biệt của vùng này.

 

Ốc đá

Món ốc đá chỉ tìm thấy trong các hốc đá và có nhiều nhất là vào mùa mưa. Ốc đá hấp với mắm hoặc chanh, sả là ngon nhất. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, dai tự nhiên và đậm đà của ốc, kết hợp với nước chấm đậm đà có tỏi, ớt, và gia vị đặc trưng khác. 

Cơm lam

Gạo ngâm sẵn rồi đổ vào ống giang đã được lót một lớp lá chuối bên trong, thêm nước cho ngập gạo lại bịt tiếp một lớp lá chuối cho kín. Nướng cơm lam phải trở đều các mặt cho không bị cháy, khi ăn bóc lớp đen bên ngoài chỉ còn lá chuối bọc cơm, ăn đến đâu xắn đến đó. Cơm lam ăn cùng vịt quay Cổ Lũng hay gà quay, măng đắng xào chỉ vậy thôi nhưng bữa cơm ngon khiến ai đi xa cũng phải tiếc nuối.

Di chuyển tại Pù Luông

Các bạn có thể tự lái xe của gia đình, hoặc thuê xe máy với mức giá 300k/ngày đã bao gồm xăng để khám phá Pù Luông nhé. Đặc biệt, tại Jungle Lodge có xe đạp miễn phí cho các khách hàng lưu trú tại resort.

Hãy rời xa những hối hả mệt nhoài, ôm vào lòng từng hơi thở trong vắt và chữa lành tâm hồn với nguồn năng lượng thuần khiết tại mảnh đất Pù Luông nhé. Mọi thứ luôn sẵn sàng chào đón các cô chú, anh chị và các bạn tới Pù Luông Jungle Lodge.